Khả năng chấp nhận như một trung gian trao đổi an toàn thấp, mức độ biến động giá mạnh, nên tiền ảo chưa thể đảm đương vai trò của một phương tiện thanh toán.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có phản hồi chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước - Huỳnh Thành Chung liên quan đến vấn đề tiền ảo. Theo đó, Phó thủ tướng cho biết, trong thời gian qua, Bitcoin và các tiền mã hóa tương tự (tiền ảo) hoạt động phân tán, có tính ẩn danh cao, không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát, phát hành.
Việt Nam cũng như đa số quốc gia khác không coi tiền ảo là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia mình. Tiền ảo là một hiện tượng, vấn đề rất mới, các quy định pháp luật cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam chưa có; thực trạng diễn biến khá phức tạp.
Tiền ảo được đánh giá khó trở thành phương tiện thanh toán. |
Theo công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo CryptoCompara, vào cuối tháng 11/2017, có 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ châu Á, trong đó có 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Số lượng truy cập từ Việt Nam vào một số sàn giao dịch Bitcoin hay trang thông tin tiền ảo trên thế giới như Bittrex, Poloniex... luôn nằm trong Top 5 cùng các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản...
Ông Huệ cho biết, do sớm nhận thức những rủi ro, hệ luỵ của Bitcoin và các loại tiền ảo khác, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra cảnh báo và đến tháng 10/2017 tái khẳng định đây không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Tháng 8/2017, Thủ tướng cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo".
Ngoài ra, trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực trạng trong nước và tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng báo cáo rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới về tiền điện tử. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước làm rõ khái niệm, bản chất, hình thái biểu hiện của tiền này, đối tượng quản lý cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp giúp quản lý hoạt động, cung ứng, phát hành, sử dụng tiền điện tử tại Việt Nam (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2018).
Về đề nghị của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung xem xét phát hành loại hình công cụ thanh toán tiền ảo trong tương lai, Phó thủ tướng khẳng định, đến nay, tiền ảo chưa thể trở thành tiền tệ, phương tiện thanh toán có khả năng thách thức các đồng tiền quốc gia, mạng thanh toán hiện hành.
Bởi theo ông Huệ, trước hết là khả năng chấp nhận tiền ảo như một trung gian trao đổi an toàn, hiệu quả ở thời điểm hiện nay là rất thấp. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là giao dịch mua đi, bán lại với mục đích đầu tư, đầu cơ chứ không phục vụ cho mục đích sử dụng như một phương tiện trao đổi, thanh toán hàng hóa dịch vụ. Trên bình diện quốc tế, tiền ảo mới chỉ được chấp nhận trong các web hoạt động mờ ám và tại một số ít các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ như một công cụ quảng bá hình ảnh là chính.
Một hạn chế nữa của Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo khác là có mức độ biến động rất mạnh, không giống với đặc trưng ổn định thông thường của các đồng tiền quốc gia. Trong năm 2017, Bitcoin và các đồng tiền ảo tăng giá liên tục và lên cơn sốt vào cuối năm này khi giá chạm ngưỡng 20.000 USD, gấp 20 lần giá thời điểm đầu năm 2017. Và chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau đó lại đánh mất tới 2/3 giá trị.
Mức biến động mạnh của Bitcoin nói trên khiến nó không thể đóng vai trò công cụ lưu trữ giá trị hiệu quả. Cuối cùng, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa cũng thất bại trong vai trò là một đơn vị kế toán khi rất ít các công ty, tổ chức thực hiện hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính quy đổi theo Bitcoin hay tiền mã hóa.
Với những thuộc tính trên, tiền ảo mang bản chất của một loại tài sản đầu cơ tài chính, chưa thể đảm đương vai trò, chức năng của một phương tiện thanh toán đích thực. Bên cạnh đó, dù các nước còn chưa thống nhất quan điểm, cách thức đối xử, cơ chế quản lý đối với tiền ảo nhưng không một quốc gia hay khu vực nào trên thế giới công nhận Bitcoin hay một loại tiền mã hóa tương tự là tiền pháp định, được Chính phủ, Ngân hàng Trung ương bảo đảm và được hệ thống pháp luật bảo vệ.
Theo Phó thủ tướng, đề xuất của Đại biểu về một đồng tiền kỹ thuật số được phát hành và bảo lãnh thanh toán bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một vấn đề rất mới, đòi hỏi kiến thức, chuyên môn sâu. Một số tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng thận trọng với đề xuất này. Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn đang tìm hiểu, theo dõi chặt chẽ các công nghệ liên quan trong khi vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng đối với việc áp dụng, triển khai.
Cho tới nay, một số thử nghiệm tại hệ thống thanh toán của một số nước như Canada, Nhật Bản, Singapore...về một đồng tiền kỹ thuật số phục vụ giao dịch liên ngân hàng giá trị lớn giữa Ngân hàng Trung ương với các ngân hàng thương mại vẫn chưa chứng tỏ được tính hiệu quả, kết quả thuyết phục, làm căn cứ cho việc phát hành một đồng tiền như vậy.
Trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật tình hình liên quan đến nội dung, kiến nghị mới mẻ này.
Thanh Lê
Người gửi / điện thoại
COPYRIGHT © TRUNG TÂM NHÂN ĐẠO NUÔI DẠY TRẺ EM MỒ CÔI, KHUYẾT TẬT QUÊ HƯƠNG
TRỤ SỞ: 1210 đường ĐT743A, Khu phố Tân Long, Phường Tân Đông Hiệp, Thị xã Dĩ An Bình Dương, Việt Nam.
Website là trang thông tin nội bộ của Trung tâm Nhân đạo Quê Hương
|
|